Giao lưu văn hóa sinh viên Việt- Hàn HUFLIT trong chuyến tìm hiểu văn hóa Việt Nam tại miền Tây Nam bộ

Thứ tư - 01/07/2020 09:32

Ngày 21 tháng 6 vừa qua, các du học sinh trao đổi của Hàn Quốc đang học tập tại trường Đại học Ngoại ngữ Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) đã có dịp đi về miền Tây Nam Bộ để thực tập thực tế, trải nghiệm văn hóa và tìm hiểu cuộc sống của người dân địa phương ở Bến Tre, Mỹ Tho.
Các SV Hàn Quốc cùng 2 giảng viên dẫn đoàn
Các SV Hàn Quốc cùng 2 giảng viên dẫn đoàn
 
Tôi là Kim Jung Min, sinh viên trường Youngsan, tôi đã đến Việt Nam hơn sáu tháng và học tiếng Việt ở HUFLIT được một học kỳ. Trong chương trình học, để tăng cường kỹ năng nghe nói giao tiếp tiếng Việt, chúng tôi được nhà trường cho đi tham quan thực tế và lần này là đi miền Tây.
 
Xe xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, đón chúng tôi lúc 7 giờ sáng tại HUFLIT, và dừng chân tại Mekong Rest Stop dùng bữa ăn sáng với món hủ tiếu đặc sản của Mỹ Tho và cà phê sữa đá Việt Nam.


Tiếp tục hành trình trên dòng Mê Kông bằng thuyền lớn, chúng tôi được ngắm nhìn cầu Rạch Miễu và nghe bạn hướng dẫn viên kể về lịch sử cây cầu này. Cũng giống như sông Hàn ở Hàn Quốc, con người đã biến dòng sông thành một nền văn minh và họ sinh sống cùng với dòng sông đó như nền tảng của cuộc sống. Nếu hiểu rõ về dòng sông Mê Kông, tôi tin rằng chúng ta có thể hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
 
Hôm nay, tôi đã đến sông Mê Kông, con sông dài nhất Đông Nam Á và là dòng sông mẹ bồi đắp phù sa cho đồng bằng Nam Bộ. Chúng tôi đã lên chiếc thuyền nhỏ từ bến tàu ở Thành phố Mỹ Tho đến Cồn Thới Sơn.
 
Ngồi trên chiếc thuyền nhẹ lướt trên dòng sông, mọi cái nóng gay gắt đã nhanh chóng biến mất, chúng tôi được thỏa thích nhìn ngắm cảnh vật xung quanh mình. Các bạn Việt Nam đi chung đoàn rất thân thiện, hòa đồng với chúng tôi. Trong dịp này tôi có cơ hội thực tập nghe hiểu, nói tiếng Việt nhiều hơn với các bạn sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học.
 
 
 
Xuôi dòng đến Cồn Thới Sơn, chúng tôi còn được xem cách người dân địa phương nuôi ong và được uống trà mật ong, nghe Đờn Ca Tài Tử (dòng nhạc của dân tộc Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể) và thưởng thức đặc sản trái cây, đặc sản xứ dừa.
 

Trong suốt hành trình, chúng tôi được thử trải nghiệm ngồi xe ngựa, đi vòng quanh đường làng. Vì đây là lần đầu tiên được đi xe ngựa nên tôi thấy rất hào hứng, tuy nhiên có một trải nghiệm rất đặc biệt khác là được đi ghe - một phương tiện di chuyển chính của người dân vùng sông Mê Kông.
 
 
Đã có rất nhiều ghe chở khách du lịch trên con sông nhỏ này. Vẻ đẹp của con sông chính là sự yên bình và tĩnh lặng, đó là nét đẹp quanh co của con đường uốn lượn kết nối giữa nhà với nhà, hàng xóm với hàng xóm dọc theo triền sông. Khu vực này xung quanh là nơi sinh sống của cư dân địa phương, yên bình và hiền hòa. Vì tôi muốn có được cảm nhận chân thật về cuộc sống của người dân nên tôi đã xin cô lái thuyền cho tôi mượn mái chèo và chèo thử. Tôi tự lái ghe và đi qua con sông đầy cây cỏ nhiệt đới, như thể đang đi xuyên qua rừng rậm vậy. Tôi đã không thể nào giấu được sự hứng thú của mình.
 
 
Người dân nơi này dường như vẫn đang sống một cuộc sống truyền thống từ trước tới giờ, ngàn đời như vậy. Họ vận chuyển trái cây bằng đường thủy, mua và bán thực phẩm, trái cây từ thuyền, xây nhà trên mặt nước.
 
Được tận mắt xem từng công đoạn người dân ở đây làm kẹo dừa
Được tận mắt xem từng công đoạn người dân ở đây làm kẹo dừa
 
Trước khi trở về thành phố chúng tôi đã được thưởng thức bữa cơm trưa bao gồm nhiều món ngon truyền thống của miền Tây.
 
Chụp hình lưu niệm kết thúc hành trình cùng chị hướng dẫn viên của đoàn
Chụp hình lưu niệm kết thúc hành trình cùng chị hướng dẫn viên của đoàn

Qua chuyến đi, tôi có thể nhìn và cảm nhận đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp ở một góc độ khác. Mặc dù chưa tham quan được nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn này, nhưng đối với tôi, một ngày về miền Tây là một thời gian trải nghiệm ngắn ngủi vô cùng quý giá trong thời kỳ đi học tại HUFLIT.
 
 

Tác giả bài viết: Kim Jung Min & Nguyễn Thị Vân Anh

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

TUYỂN SINH CAO HỌC

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

DANH MỤC