02 vấn đề cần lưu ý khi dùng công cụ AI trong việc học

Thứ tư - 05/05/2021 16:30

Thiếu chủ động và hiểu chưa đúng về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) là 02 vấn đề thường gặp khi sinh viên ứng dụng vào quá trình học tập

Trong khuôn khổ Hội Thảo khoa học cấp Trường mang chủ đề: "Đề xuất và xây dựng các mô hình giảng dạy và học tập hiệu quả trong thời kỳ đại dịch COVID-19", giảng viên nhà Trường đã có buổi thảo luận sôi nổi về các nội dung trọng tâm trong việc giảng dạy trực tuyến, đồng thời đưa ra quan điểm khi sinh viên dùng công nghệ vào những việc chưa cần thiết.

Đơn cử, trên thị trường có nhiều công cụ trực tuyến hỗ trợ quá trình học tiếng Anh đang tạo ra tác dụng ngược. Như Google Dịch – một website phổ biến với khả năng dịch hàng trăm ngôn ngữ trong tích tắc nhờ vào AI, đang bị “khai thác” sai mục đích khi người học chỉ dùng để hoàn thành bài tập và nộp cho giảng viên.

Giảm sự chủ động

ThS. Huỳnh Thị Kim Hoa - Trưởng Bộ môn Tiếng Anh – Khoa Du lịch - Khách sạn, băn khoăn liệu sự xuất hiện của các công cụ AI có đang tạo ra xu hướng học tập hời hợt, thiếu sự chăm chỉ từ phía người học hay không.

“Đặc biệt với môn Writing (Viết tiếng Anh), trường hợp sử dụng Google Dịch diễn ra thường xuyên” cô Hoa nhận định, “và điều này vô tình đẩy các em vào tình huống học đối phó, bị phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo”.

Cuối cùng, hậu quả là sinh viên không tiếp thu được các kỹ năng cần thiết, chất lượng đầu ra của chương trình học bị ảnh hưởng.
 
1
ThS. Huỳnh Thị Kim Hoa chia sẻ quan điểm tại Hội thảo khoa học do Khoa Du lịch - Khách sạn tổ chức, vừa diễn ra vào tuần qua.

Cô Hoa nhận định, trước khi nói về mặt trái của công cụ, phần mềm hỗ trợ việc học, những sản phẩm công nghệ này cũng đã phần nào giúp giảng viên nắm trong tay nhiều chất liệu hiệu quả để nâng cao khả năng tự học của sinh viên khi số tiết tự học của các em đang khá nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra lại xuất phát từ tính tự giác cao độ của sinh viên. “Tự học mà không tự giác thì hiệu quả không cao”, cô đánh giá, “và đây cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay”.

Trong các lớp dạy môn Writing, giảng viên thường bắt gặp hình ảnh người học sử dụng app chuyển đổi ngôn ngữ (như Google Dịch) ngay tại lớp, dẫn đến tình trạng nếu không có chiếc di động thông minh bên cạnh thì phần lớn các em không viết tốt được bài luận bằng tiếng Anh. 

Thực chất, không phải sinh viên nào cũng có mặt trong tình huống nêu trên nhưng tỷ lệ người học ng công cụ dịch lại chiếm phần đông, đơn giản là vì thế hệ sau này được tiếp cận công nghệ từ rất sớm nên đã quen với những ứng dụng hiện đại.

Bằng kinh nghiệm nghề giáo lâu năm, cô Huỳnh Thị Kim Hoa cho biết giảng viên hoàn toàn có thể sàng lọc được bài nào do sinh viên làm, bài nào do máy viết. Từ đó, cô mong muốn sinh viên phải thực sự chú tâm vào việc học thay vì nhờ “người máy học giúp”.

“Nếu như các em cứ lệ thuộc vào điện thoại, việc học lại tín chỉ là kết quả hoàn toàn hiển nhiên”, cô Hoa khẳng định.

 
2
TS. Phạm Thị Thu Nga - Trưởng Khoa Du lịch - Khách sạn (trái), cho biết người học cần giữ vị thế cốt lõi
trong quá trình tiến bộ của việc học.

Hiểu sai về vai trò của công nghệ

Hiện nay, trong nền kinh tế tri thức, sự giúp sức của công nghệ thông tin là điều cần thiết. Thế nhưng, TS. Phạm Thị Thu Nga nhấn mạnh sự đòi hỏi ở người sử dụng một trình độ phù hợp. Trong đó bao gồm vấn đề về ý thức tự giác.

Ở bậc đại học, sinh viên được toàn quyền quyết định về cách học, hướng phát triển sự nghiệp cũng như được phép làm những điều các bạn yêu thích. Do vậy, nhiều bạn bỏ quên tầm quan trọng của sự tự giác và sự đầu tư tỉ mỉ cho hành trang kiến thức của bản thân.

“Một trong 13 kỹ năng mà thế giới hiện nay đang đề cập đối với lực lượng lao động của thế kỷ 21 chính là khả năng tự điều chỉnh và có ý thức với việc mình đã và đang làm”, cô Nga đánh giá và cho biết thêm rằng môi trường học đại học không phải là môi trường phổ thông, giảng viên không thể nào kiểm tra sinh viên mỗi ngày.

Tương tự, để sử dụng tối ưu các công cụ AI thì cũng đòi hỏi sự tự giác phải đạt đến một trình độ nào đó vì nếu không cẩn thận, chúng sẽ bộc lộ những mặt trái và phản tác dụng.

Bàn luận thêm, TS. Trần Quang Minh - Giảng viên Khoa Du lịch - Khách sạn, cho biết những công cụ trí tuệ nhân tạo được thiết kế để sinh viên tiến bộ. Cho nên, người học phải có ý thức việc mình làm, việc mình học. “Còn nếu học đối phó thì tất cả công cụ trên thị trường đều đáp ứng được”, thầy Minh bày tỏ nhận định.

Do vậy, tính trung thực được đặt lên hàng đầu, trong đó sinh viên phải xác định học là để có kiến thức cho mình chứ không phải học để qua môn. “Muốn tiến bộ, không có một con đường nào khác ngoài việc phải dấn thân, học hỏi và phải hy sinh công sức lẫn thời gian để đạt được thành công nhất định nào đó”, thầy Minh chia sẻ. 

 
3
Tập thể Giảng viên và Sinh viên Khoa Du lịch - Khách sạn chụp ảnh lưu niệm cuối buổi hội thảo.

Đây là buổi Hội thảo Khoa học cấp Trường do Khoa Du lịch - Khách sạn tổ chức với sự tham dự của giảng viên Khoa, các Khoa khác trong Trường cùng đông đảo sinh viên.

Hội thảo là nơi gợi mở các giải pháp thiết thực để các thầy, cô có thêm nhiều chất liệu giảng dạy sống động, giúp cho không khí lớp học luôn sôi nổi, bài giảng đạt chất lượng cao và đồng thời xem việc dạy và học trực tuyến là hướng giáo dục mới mẻ và giàu tiềm năng trong tương lai.

Các tham luận đã trình bày tại Hội thảo:

 
4

Tham luận 1: “Nhận thức của sinh viên về việc học trực tuyến tại Khoa Du lịch - Khách sạn, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh” (ThS. Võ Hồng Sơn).
 
5

Tham luận 2: “Phương pháp dạy kỹ năng viết tiếng Anh trực tuyến, thực trạng và giải pháp” (ThS. Tôn Thị Thiết).
 
6

Tham luận 3: “Đề xuất và ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo trực tuyến miễn phí để nâng cao hiệu quả việc học tiếng Anh cho sinh viên HUFLIT trong thời kỳ đại dịch COVID-19" (TS. Trần Quang Minh).
 
7

Tham luận 4: “Kết hợp mô hình lớp học đảo ngược và phần mềm Moodle vào giảng dạy trong thời kỳ đại dịch COVID-19" (ThS. Lê Ngọc Phương Nguyên). 

Tác giả bài viết: Hồng Lộc - Trung tâm Truyền thông - Tổ chức Sự kiện

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

TUYỂN SINH CAO HỌC

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

DANH MỤC