Được thành lập từ năm 1995, Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong ba khoa đào tạo đầu tiên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT). Với bề dày lịch sử hơn 25 năm hình thành và phát triển, Khoa CNTT HUFLIT đã và đang khẳng định chất lượng đào tạo của mình thông qua việc đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam và thế giới.
Thực hiện sứ mạng của HUFLIT là “đào tạo những người ham học hỏi trở thành các công dân đáp ứng được những đòi hỏi không ngừng của thị trường lao động, có trách nhiệm với xã hội, có ý thức phát triển bản thân, có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học, thông qua các trải nghiệm thực tế”, chương trình đào tạo Ngành Công nghệ thông tin liên tục được điều chỉnh, cập nhật để bổ sung các công nghệ mới phù hợp với xu hướng chung của thị trường lao động.
Phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2022
Đội ngũ giảng viên tâm huyết với nghề và giàu kinh nghiệm
Trong hoạt động giảng dạy, lực lượng giảng viên là yếu tố cốt lõi, quyết định chất lượng giảng dạy. Nhận thức được tầm quan trọng này, Khoa xây dựng đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm, không ngừng tự học hỏi nâng cao chuyên môn và có nhiều tâm huyết với nghề. Chúng tôi luôn nỗ lực để trang bị hành trang kiến thức vững vàng, tự tin truyền đạt kiến thức, kỹ năng và khơi nguồn cảm hứng cho sinh viên. Hiện tại Khoa đang có đội ngũ khoảng 40 giảng viên chính thức, 6 chuyên viên chuyên trách với trình độ Tiến sĩ và sau Tiến sĩ đạt khoảng 8%, trình độ Thạc sĩ đạt hơn 88%.
Chuyên ngành đa dạng, phù hợp với nhu cầu thực tế
Khoa CNTT đang đào tạo 4 chuyên ngành: An ninh mạng, Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin và Khoa học dữ liệu. Đây là các chuyên ngành hiện đại và có nhu cầu nhân lực rất cao trong xã hội hiện nay. Trước khi đào tạo kiến thức chuyên ngành, tất cả sinh viên đều được đào tạo các kiến thức nền tảng về khoa học và CNTT, đảm bảo sinh viên có khả năng tự học, thích nghi nhanh với sự thay đổi của công nghệ tại môi trường công ty và tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn khi có nhu cầu. Khi vào năm học chuyên ngành, sinh viên được đào tạo chủ yếu theo phương pháp hướng dự án (project), đảm bảo sinh viên vừa được giảng dạy lý thuyết vừa được làm quen với các dự án thực tế.
Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo
Để chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao, luôn cập nhật kịp thời các công nghệ mới nhất đang được sử dụng phổ biến trong công nghiệp, Khoa CNTT liên kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp CNTT trên địa bàn TP.HCM trong các hoạt động đào tạo: xây dựng chương trình đào tạo, sinh viên có 01 học kỳ thực tập thực tế tại doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức cho sinh viên tham quan môi trường làm việc đa dạng trong ngành CNTT giúp sinh viên định hướng công việc phù hợp sở thích sau khi tốt nghiệp, mời chuyên gia từ doanh nghiệp về báo cáo chuyên đề, giới thiệu cơ hội việc làm cho sinh viên,…
Các thế hệ sinh viên CNTT HUFLIT đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học thuật
Trong môi trường học tập chuyên nghiệp tại HUFLIT, sinh viên được trau dồi các kiến thức, kỹ năng và đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật: liên tục nhận nhiều nhiều giải thưởng tại các Kỳ thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp (01 giải nhất, 04 giải nhì, 22 giải ba và nhiều giải khuyến khích), 01 giải nhì và 02 giải ba sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ; 05 giải nhất Quốc gia liên tiếp trong các kỳ thi Tin học văn phòng thế giới (Microsoft Office Specialist World Championship – MOSWC),…
Môi trường học tập chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo
Khác với những hình ảnh thường thấy về một ngành CNTT khô cứng, tại HUFLIT, bức tranh về ngành nghề đặc biệt này được phác thảo một cách sinh động, hấp dẫn. Đến với ngành CNTT HUFLIT, bên cạnh chất lượng đào tạo vốn đã là học hiệu uy tín của Nhà trường suốt nhiều năm qua, người học sẽ được phát huy tối đa khả năng sáng tạo, trang bị thêm nhiều kỹ năng mềm với các hoạt động học thuật, hoạt động ngoại khóa từ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đến các phong trào tình nguyện.
Tác giả bài viết: Phòng Tuyển sinh