Cựu sinh viên HUFLIT tham gia chương trình Nghiên cứu Hán văn do Viện nghiên cứu trung ương Hàn Quốc học (AKS) tổ chức

Thứ năm - 13/02/2020 10:53

Hoạt động nghiên cứu của cựu sinh viên HUFLIT
 
AKS Hanmun Felllowship là một chương trình nghiên cứu Hán văn (Hanmun) nhằm đóng góp vào sự phát triển của ngành Hàn Quốc học ở hải ngoại (chương trình không bao gồm người Hàn). Chương trình được chính phủ Hàn Quốc đài thọ và được phòng Hỗ trợ Hàn Quốc học hải ngoại (Division for the Promotion of Korean Studies Abroad) thuộc Trung tâm Giao lưu quốc tế (Center of International Affairs) của Viện nghiên cứu trung ương Hàn Quốc học (The Academy of Korean Studies) đảm trách. Nhằm giúp cho nghiên cứu viên có thể tập trung vào việc học tập và nghiên cứu Hán văn thì tất cả mọi chi phí đi lại (vé máy bay 2 chiều), nơi ở và phí sinh hoạt đều được chính phủ đài thọ.

Chương trình tuyển chọn nghiên cứu viên trên toàn thế giới với những ai mong muốn tìm hiểu về Hán văn. Mặc dù khởi nguồn của Hán tự xuất phát từ Trung Quốc nhưng sau khi du nhập vào các nước đồng văn (Việt Nam, bán đảo Korea và Nhật Bản) thì theo thời gian mỗi quốc gia đã có cách vận dụng và lối hành văn riêng của mình. Vì thế để có thể nghiên cứu các văn bản cổ xưa nhằm duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa cũng như các giá trị tinh thần, cần phải có một thế hệ am hiểu về Hán văn để làm việc này.
Cựu sinh viên Bành Minh Đức (khóa 2015-thứ hai bên trái) cùng 6 nghiên cứu viên khác chụp ảnh luu niệm ngày đầu tiên
Cựu sinh viên Bành Minh Đức (khóa 2015-thứ hai bên trái)
cùng 6 nghiên cứu viên khác chụp ảnh lưu niệm ngày đầu tiên
 
Là một chương trình mang đầy ý nghĩa, Trường Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP.Hồ Chí Minh tự hào là trường có sinh viên đại diện cho Việt Nam tham gia cùng với 6 nghiên cứu viên đến từ các nước Pháp, Đức, Ai Cập, Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kì và Jordan. Trong vòng 4 tháng tại Viện nghiên cứu, các nghiên cứu viên được học từ những kiến thức cơ bản liên quan đến Hán tự (Hanja) để tiếp cận và dịch văn bản Hán văn. Một tuần với ba tiết học gồm “Khải Mông Thiên”, “Mạnh Tử” và “Tam Quốc di sự” được các giáo sư có sự nghiên cứu và am hiểu sâu về Hán tự và Hán văn giảng dạy.
Các nghiên cứu viên đang học lớp Khải Mông Thiên (Hình ảnh trên The Korea Herald)
Các nghiên cứu viên đang học lớp Khải Mông Thiên
(Hình ảnh trên The Korea Herald)
 
Ngoài các tiết học trên lớp các nghiên cứu viên còn được tổ chức đi tham quan trải nghiệm văn hóa tại Hàn Quốc. Với chuyến đi tham quan lần đầu, các nghiên cứu viên được đi đến Cố đô của vương triều Tân La tại Kyung Ju thuộc tỉnh Bắc Kyungsang. Trong chuyến đi, các nghiên cứu viên được tham quan các khu di tích khảo cổ như Hoàng Long tự là ngôi chùa cổ xưa dưới thời Tân La, các ngôi chùa có niên đại hơn 1000 năm như Phật Quốc Tự cùng với Chùa hang nhân tạo cũng có niên đại tương đương là Thạch Quật Am. Cùng với một số di tích của vương thất Tân La như khu di tích Đông Cung và Nguyệt Trì hay Chiêm Tinh Đài là nơi quan sát thiên văn dưới thời Tân La. Chuyến đi 3 ngày 2 đêm tuy ngắn ngủi nhưng những gì các nghiên cứu viên được trải nghiệm và học hỏi là không thể đếm được.
Các nghiên cứu viên chụp ảnh tại khu di tích Hoàng Long Tự
Các nghiên cứu viên chụp ảnh tại khu di tích Hoàng Long Tự
 
Lần trải nghiệm văn hóa tiếp theo được giáo sư giảng dạy về Mạnh Tử hướng dẫn cho các nghiên cứu viên tham quan Xương Đức Cung – Cung điện có niên đại hơn 300 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Các nghiên cứu viên được giới thiệu về những điều thú vị xoay quanh việc xây dựng cung này cũng như được giới thiệu về các khu vực quan trọng như Nhân Chính Điện là nơi tổ chức các đại lễ của quốc gia như Đăng cơ, Quốc hôn, Tế tự,… Tuyên Chính Điện là nơi làm việc thường ngày của các đời Đại vương Triều Tiên cùng với Hi Chính Đường là Tẩm điện của Đại vương và Đại Tạo Điện là Tẩm điện của các đời Vương phi Triều Tiên.

Lần cuối cùng trước khi kết thúc chương trình học trong 4 tháng các nghiên cứu viên được tham quan ngôi chùa nổi tiếng nằm giữa lòng thành phố Seoul. Đó chính là Phụng Ân Tự nằm ngay khu mua sắm sầm uất COEX Mall tại quận Gangnam. Được biết ngôi chùa này đã có từ Tân La và đến thời Triều Tiên trở thành tự viện được quốc gia công nhận.
Các nghiên cứu sinh cùng cô Kim Ji Hyun (ngoài cùng bên trái hàng sau) và Kim Ji Young (ngoài cùng bên trái hàng đầu) chụp ảnh tại Phụng Ân Tự
Các nghiên cứu sinh cùng cô Kim Ji Hyun (ngoài cùng bên trái hàng sau) và Kim Ji Young (ngoài cùng bên trái hàng đầu) chụp ảnh tại Phụng Ân Tự
 
Trong quá trình học tập và nghiên cứu, các nghiên cứu viên đã được hỗ trợ sử dụng thư viện như các học viên cao học tại Viện nghiên cứu. Nếu ai có nhu cầu có thể xin hỗ trợ để đến các thư viện tại các trường đại học có liên kết như Đại học Quốc Gia Seoul để phục vụ cho việc nghiên cứu cá nhân của mỗi người. Ngoài ra, Viện nghiên cứu còn có những tiện ích khác như nhà ăn, cửa hàng nhu yếu phẩm và phòng tập thể dục để các nghiên cứu viên có thể thoải mãi học tập và nghiên cứu mà không phải lo lắng về các vấn đề sinh hoạt hàng ngày.

Viện nghiên cứu còn thường xuyên tổ chức các buổi nghiên cứu khoa học do Jangseogak Academy tổ chức, các nghiên cứu viên có thể đến để nghe các giáo sư thuyết giảng về các vấn đề được nghiên cứu. Ngoài ra, Jangseogak còn là nơi lưu trữ các văn bản thư tịch cổ và cũng là nơi phục hồi những đồ vật kể trên. Thật may mắn là nghiên cứu viên của chương trình AKS Hanmun Fellowship vì không phải ai cũng có thể tham quan những nơi được kể trên vì những thư tịch cổ có thể xem là bảo vật ở Hàn Quốc.

Các nghiên cứu viên cũng được hướng dẫn tham quan nơi lưu trữ thư tịch với các hệ thống tối tân và điều kiện môi trường lưu trữ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Được xem qua bản gốc Túc Tông Gia Lễ Đô Giám Nghi Quỹ, là một trong những văn bản quan trọng trong việc phục dựng tái hiện các nghi lễ của Vương thất; cũng như được đến tham quan phòng phục hồi bảo vật (phục hồi tranh ảnh, thư tịch,...).

Sau khi kết thúc khóa học tại Viện nghiên cứu, các nghiên cứu viên cũng được trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. Các giáo sư đều có mặt để chúc mừng thành quả của các nghiên cứu viên đã học tập và nghiên cứu trong 4 tháng ở Hàn Quốc.
Cựu sinh viên Bành Minh Đức nhận giấy chứng nhận và chụp ảnh lưu niệm cùng Giám đốc Trung tâm Giao lưu quốc tế - Giáo sư Jo Yung Hee.
Cựu sinh viên Bành Minh Đức nhận giấy chứng nhận và chụp ảnh lưu niệm cùng Giám đốc Trung tâm Giao lưu quốc tế - Giáo sư Jo Yung Hee.
 
Chương trình AKS Hanmun Fellowship mặc dù chỉ được tổ chức lần đầu nhưng hứa hẹn sẽ có nhiều đổi mới hoàn thiện để giúp nghiên cứu viên có thể dễ dàng trong việc học tập và nghiên cứu. Hiện nay chương trình được tổ chức 1 năm 2 lần với học kì xuân vào tháng 3 và học kì thu vào tháng 9. Tất cả đều được thông báo tuyển nghiên cứu viên vào tháng 10 năm trước để chọn ra những ứng cử viên ưu tú theo học. Thông tin được đăng tải trên trang chủ của Viện nghiên cứu trung ương Hàn Quốc Học và trong tương lai nhằm để phát triển việc nghiên cứu Hán văn cho các nghiên cứu viên người nước ngoài, Viện nghiên cứu dự kiến sẽ mở thêm lớp cao cấp nghiên cứu về lĩnh vực Hán văn để tạo điều kiện cho những người có mong muốn được nghiên cứu chuyên sâu hơn về Hán văn.
Các nghiên cứu viên chụp hình lưu niệm trong tiệc chia tay.
Các nghiên cứu viên chụp hình lưu niệm trong tiệc chia tay.

 

Tác giả bài viết: Cựu SV. Bành Minh Đức

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

TUYỂN SINH CAO HỌC

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

DANH MỤC