‘Mùa covid’ khó quên với Công đoàn viên nữ HUFLIT

Thứ ba - 09/03/2021 17:20

Vừa tất bật với bài giảng, vừa làm quen với mô hình trực tuyến, kèm thêm việc chăm sóc gia đình nên mỗi ngày trôi qua đều là trải nghiệm đáng nhớ với phái đẹp HUFLIT.
 

Trước đây, khi dịch COVID-19 chưa xảy ra, thời điểm đông đủ mọi thành viên trong gia đình của mỗi cán bộ, công nhân viên (CBCNV) nhà Trường thường là buổi tối hoặc ngày cuối tuần - khi cả gia đình cùng quây quần bên bữa cơm, vui chơi cùng con trẻ. Đây cũng là lúc các bậc phụ huynh có thể dạy và lắng nghe tâm sự của con mình. Vì thế, thời gian trong ngày được phân ra rõ ràng: sáng cho cơ quan, tối và cuối tuần cho gia đình.

Tuy nhiên, kể từ khi học sinh, sinh viên không thể đến trường và phần lớn người lao động phải làm việc toàn thời gian tại nhà, lối sinh hoạt mới ấy vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Vài thời điểm, việc nhà và công việc đan xen cùng lúc nên Công đoàn viên nữ của Trường đôi khi đối mặt với nhiều áp lực.

Thích nghi nhịp sống mới

“Năm 2020 là một năm thật sự khó quên không chỉ với tôi mà còn với những thầy, cô đồng nghiệp”, cô Trần Nguyễn Mỹ Hoàn - Giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông - chia sẻ, “dù đã biết về phương thức dạy trực tuyến (online) nhưng tôi vẫn cần một khoảng thời gian làm quen với cách truyền đạt bài giảng qua mạng”.

Để sinh viên nắm bắt kịp nội dung, cô chọn cách quay sẵn bài giảng. Sau đó, vừa trình chiếu vừa giảng trực tiếp thay vì giảng “live” toàn bộ nhằm giúp giảm tình huống lời giảng bị ngắt đoạn khi đường truyền không ổn định. 

Tuy vậy, một bài giảng quay sẵn đạt yêu cầu cũng cần đầu tư công sức. Thời gian trong ngày, cô lên lớp và chăm bé trai đầu lòng nên việc soạn nội dung videoclip thường rơi vào khoảng giữa khuya, tầm 1-2 giờ sáng.  “Nhiều lần oái oăm, đang ghi hình thì con khóc đêm, tôi phải bỏ ngang để vào dỗ con ngủ. Cứ thế mà đến 4-5 giờ sáng mới cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh”, cô Hoàn cười. 

Có thể nói, thức khuya và tranh thủ lúc con ngủ để giải quyết công việc là một trong những thói quen thức thời mà nhiều giảng viên nữ đều gật gù đồng tình khi được hỏi. Như trường hợp của cô Lưu Thị Hồng Chuyên - Chuyên viên Phòng Khảo thí - Bảo đảm Chất lượng giáo dục, khi tối muộn hay lúc các con đang ngon giấc, đó mới là thời điểm cô có thể tập trung vào công việc.

“Tôi dồn sức để làm việc, bao nhiêu còn lại tôi phân bổ vào trong ngày”, cô Chuyên cho hay.

Qua đó, để cô Hoàn, cô Chuyên hay đa số CBCNV nữ khác hoàn thành trọn vẹn công việc, gia đình chính là điểm tựa quan trọng để các cô vững lòng làm tốt vai trò người mẹ cũng như người đi làm.

“Ông xã cũng chịu khó chơi với các cháu, san sẻ công việc cùng nhau, tôi thấy rất ấm lòng”, cô Chuyên bộc bạch. 

Mặt khác, cô Hoàn nhận định, sự cảm thông từ phía chồng và gia đình đã mang lại niềm an ủi rất lớn. Chẳng hạn như khi phải dạy online, ông xã thì trông bé, ông bà nội của cháu thì giúp chăm sóc nhà cửa. “Tôi dạy xong tiết nào là tranh thủ vào giữ con, dọn dẹp phòng ốc để ông bà nghỉ ngơi. Bố mẹ tôi hiểu công việc của hai vợ chồng nên rất cảm thông. Tôi thực sự cảm ơn bố mẹ vì điều này”.

Tuy hiểu rõ tương tác qua mạng là phương án tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh nhưng khi so sánh về lựa chọn dạy online hay dạy ở lớp, đa phần giảng viên đều mong muốn sớm được dạy tại trường. Điều này xuất phát từ việc sinh viên sẽ dễ hiểu bài hơn, người dạy và người học tăng sự gần gũi và họ có thể kiểm chứng được mức độ hiểu bài của sinh viên.

Phía CBCNV cũng thuận tiện khi trao đổi công việc tại Trường hơn khi ở nhà. 

Hiểu con trẻ hơn

Thay vì chỉ có dịp trao đổi về chuyện học hành, chuyện ở lớp vào buổi tối hay cuối tuần như thường lệ, giờ đây cả gia đình lại khăng khít hơn bao giờ hết khi có thể gặp nhau bất kể khi nào.

“Ở gần các con, tôi có cơ hội phân tích cho con hiểu về từng thắc mắc, hoặc có những từ ngữ các bé nghe nhưng không hiểu từ đó nghĩa là gì thì tôi cũng có điều kiện để giải đáp”, cô Chuyên chia sẻ.

Ngoài ra, để có thể đồng hành cùng thế giới của con trẻ, cô Chuyên cho biết thêm: “ở độ tuổi nhỏ thì bé cần giao tiếp, trong đó có vô số câu chuyện muốn chia sẻ và cần mình tiếp nối. Nếu như mình không trò chuyện với trẻ thì bé sẽ dễ hạn chế khả năng giao tiếp”.

Về phía cô Hoàn, việc theo sát cậu con trai ở độ tuổi mầm non giúp cô kịp thời định hướng sự phát triển toàn diện của bé, qua đó hiểu rõ con trai mình yêu thích điều gì và cần gì. Không chỉ là người mẹ, cô Hoàn tâm niệm bản thân còn phải là bạn với con trong học tập và sinh hoạt.
 

Phái đẹp HUFLIT diện áo dài tại khu vực chụp ảnh nhân ngày Quốc tế Phụ nữ và ngày Quốc tế hạnh phúc. Ảnh: Diệu Hương


Cả Trường chung lòng

 

Trong bối cảnh chung, ứng phó với đại dịch được xem là một khái niệm mới, do vậy việc điều chỉnh lối sống và thay đổi cùng hoàn cảnh vô hình trung gặp không ít khó khăn ở giai đoạn đầu. 

 

Đối với HUFLIT, cô Lê Thị Tuyết Anh - Chủ tịch Công đoàn Trường - nhận định, các hoạt động của Trường đã có sự chuyển mình nhanh chóng về tất cả các mặt, cụ thể như triển khai kịp thời hoạt động tập huấn, hướng dẫn phương pháp giảng dạy trực tuyến, tuyên truyền các nguyên tắc 5K và hơn hết là vẫn đảm bảo chế độ lương, thưởng, nghỉ mát cho người lao động.

 

“Dịp 8/3 này, Trường cũng đã gửi quà đến toàn thể Công đoàn viên nữ để khích lệ tinh thần và chúc mừng sự nỗ lực của mọi người”, cô Tuyết Anh cho biết, “chúng ta là một gia đình và vì thế phải luôn vui, luôn đoàn kết”.

Đảng Ủy, Hội Đồng Trường, Ban Giám hiệu và Công đoàn HUFLIT luôn quan tâm đến tập thể người lao động, đặc biệt là đội ngũ CBCNV, giảng viên nữ. Trong đó, tỷ lệ nữ trong đội ngũ cán bộ quản lý chiếm 47%.

 

  Video:

Tác giả bài viết: Hồng Lộc - Trung tâm Truyền thông - Tổ chức Sự kiện

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

TUYỂN SINH CAO HỌC

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

DANH MỤC